Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Banh bầu dục

Banh bầu dục (American football) là một trong những môn thể thao phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Đây là trò chơi thể thao tập thể, va chạm bạo liệt, đầy sức mạnh lẫn mưu mẹo. Mục tiêu chiến thắng là ghi điểm bằng cách mang banh xuống khu cấm địa "end zone" của đối phương. Bên tấn công mang banh sang phần sân đối thủ bằng chiến thuật cận chiến (running play) hoặc không chiến (passing play).

Trong cận chiến, trung phong (runningback) sẽ ôm banh chạy càng sâu vào phần sân đối phương càng tốt, trong khi cả đội hình tấn công còn lại hầu như chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, cản phá. Trong không chiến, chủ công (quarterback) được bảo vệ kỹ lưỡng, có đủ thời gian, chờ các tiền đạo (wide-receiver), hoặc hộ công (tight end) và trung phong (runningback) thoát sang sân đối phương, rồi ném banh cho các cầu thủ này đón bắt.

Trong trận banh bầu dục, điểm số được ghi bằng nhiều cách: trung phong ôm banh chạy vào cấm địa (end zone); tiền đạo nhận banh ném vào cấm địa; đá banh vào khung thành (goal posts); hoặc vật ngã cầu thủ của đối phương đang ôm banh trong khu cấm địa của họ. Đội banh chiến thắng là đội ghi nhiều điểm hơn.
Đá banh và banh bầu dục

Vì nhiều người Việt hâm mộ thể thao thường thích và hiểu rõ môn đá banh (soccer), chúng tôi sẽ làm một phép đối chiếu và tương phản thô thiển, hy vọng giúp độc giả có một khái niệm bước đầu về môn banh bầu dục. Một trận đá banh 90 phút như một dòng sông chảy liên tục, chỉ bị ngắt quãng khi có cầu thủ phạm lỗi, bị chấn thương, hay khi banh lăn khỏi đường biên. Trận banh bầu dục 60 phút chia làm 4 hiệp thì trái ngược, luôn bị dừng lại và ngắt ra thành nhiều “plays” (miếng đánh, hay chiến thuật) riêng biệt.

Vì lý do này, môn đá banh “tương đồng” môn banh bầu dục nhất ở 2 pha banh cố định (set play) là đá phạt hàng rào (free kick) và đá phạt góc (corner kick). Nói chung, đây là những pha banh cố định và có sự chuẩn bị dàn xếp từ trước. Ở cả hai trường hợp này, trận đấu bị dừng lại, và bên tấn công có thời giờ chuẩn bị cho đợt công thành quyết định. Thường các đội chú trọng tập luyện một vài ngón bài tủ để dùng trong những lúc như thế này và khán giả sẽ được mãn nhãn với những cú vuốt banh qua hàng rào vào lưới ngoạn mục, hay cú đội đầu nối tung lưới từ một pha phạt góc. Lợi thế của đá banh là trận banh ít bị cắt vụn, nhưng những trận banh dở có thể bị chê là nhàm chán vì các cầu thủ uể oải và banh chỉ loanh quanh ở giữa sân trong khi thủ thành 2 bên... ngủ gục trong khung thành.
Ngược lại, môn banh bầu dục thoạt trông chán phèo vì bị cắt vụn liên tục. Một trận banh bầu dục là sự kết liền của vài chục lần đá “phạt hàng rào” hay “phạt góc”. Vì mỗi pha banh, mỗi miếng đánh đều có một mục tiêu nhất định, được các cầu thủ dày công tập luyện để hoàn hảo kỹ thuật, nên diễn biến trận banh lúc nào cũng gay cấn.

Về phía các cầu thủ, đội đá banh ra sân với 1 đội hình duy nhất gồm 11 cầu thủ, chia ra làm các nhiệm vụ tấn công hay phòng thủ, và trấn giữ những phần sân khác nhau. Trong khi đó, một đội banh bầu dục có 2 đội hình hoàn toàn riêng biệt, mỗi đội hình gồm 11 cầu thủ. Đội hình tấn công thi đấu với đội hình phòng thủ của đối phương, và đội hình phòng thủ thi đấu chống lại đội hình tấn công của đối phương. Chưa kể một đội hình khác gọi là “đội hình đặc biệt” (special team) được dùng trong một số hoàn cảnh nhất định. Một đội đá banh vì vậy chỉ cần khoảng 20 cầu thủ, trong khi một đội banh bầu dục có ít nhất 45 cầu thủ.
Đội hình tấn công (ĐHTC)

ĐHTC (offense hay offensive side) nào cũng phải bao gồm 5 cầu thủ công tuyến (CT, offensive linemen), thường đeo số 60-79, là những hộ pháp cao lớn nhất của một đội banh bầu dục. Một công tuyến thường cao trên 6’4 (1m95), có người đến 6’7 (2m04), và nặng trên 300 pounds (trên 140 kg). Đây là bức tường thành bảo vệ cầu thủ chủ công (CC, quarterback) và dọn đường cho trung phong (TP, runningback) ôm banh chạy. Cầu thủ công tuyến đứng chính giữa, “Center”, là người chuyền banh cho chủ công lúc mỗi miếng đánh bắt đầu, còn lại các công tuyến khác cách chung ít khi nào chạm đến banh.

- Chủ công (CC, quarterback), thường đeo số 1-19, nhận banh từ công tuyến “center” rồi chuyển cho trung phong (runningback) hoặc ném banh đến các tiền đạo (wide receiver) hay hộ công (tight end). Cầu thủ chủ công này là thủ lãnh của ĐHTC và thường được xem như cầu thủ quan trọng nhất của một đội banh bầu dục. Anh nhận hiệu lệnh từ các huấn luyện viên tấn công từ bên ngoài sân, lãnh trách nhiệm điều khiển tấn công, đưa banh sang phần sân đối phuơng, và ghi điểm.

- Các trung phong (TP, running back), thường đeo số 20-49, đứng sau lưng chủ công mỗi khi một miếng đánh bắt đầu và chuyên ôm banh luồn lách chạy trong không gian hẹp. Họ cũng có nhiệm vụ cản phá đối phương, bảo vệ chủ công, và nhận banh. Nếu có 2 trung phong trong một miếng đánh, một người được gọi là “halfback” (hoặc “tailback”) sẽ ôm banh chạy, còn người kia, gọi là “fullback” có nhiệm vụ cản phá hay mở đường.

- Tiền đạo (wide receivers - WR) thường đeo số 10-19 và 80-89, đứng ở hai bên dàn công tuyến. Đây là những cầu thủ chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất, nhào lộn giỏi nhất, và là những đôi tay nhựa có nhiệm vụ nhận bắt mỗi đường banh từ chủ công.

- Hộ công (HC, tight end) thường đeo số 80-89, cũng đứng phía ngoài công tuyến. Tùy từng hoàn cảnh và từng miếng đánh khác nhau, họ có thể chơi như các tiền đạo, lao lên phía trước nhận banh, hoặc co lại bảo vệ cho chủ công (quarterback). Các hộ công to lớn như các cầu thủ công tuyến (offensive linemen) nhưng không nặng nề mà trái lại khá nhanh nhẹn, nhiều người có thể chạy nước rút như những tiền đạo (wide receiver) thực thụ.
Mỗi khi một miếng đánh bên ĐHTC bắt đầu, ít nhất 7 cầu thủ tấn công phải đứng ở tiền tuyến “line of scrimmage”. Thường là 5 cầu thủ công tuyến và 2 tiền đạo. Những cầu thủ khác ở vị trí nào phía sau tiền tuyến là tùy ở mỗi miếng đánh riêng biệt. Thí dụ, nếu đội chỉ cần thêm 1 yard và quyết định chạy hay ủi banh, ĐHTC có thể bao gồm 3 hộ công, 2 trung phong, và khỏi cần tiền đạo. Ngược lại, khi cần tới 20 yards, ĐHTC có thể thay thế hộ công và trung phong với một loạt các tiền đạo để vọt lên đón những đường banh ném xa vài chục yard.


Đội hình phòng thủ

ĐHPT (defense hay defensive line) không bị bó buộc và luôn linh hoạt thay đổi để ứng phó với cách bày binh bố trận của đối thủ. ĐHPT có nhiệm vụ tối hậu là cản không cho ĐHTC của đối phương mang banh đi quá 10 yards mỗi lần ra sân. ĐHPT thường gồm những cầu thủ sau đây:

- Tiền vệ (TV, defensive linemen) thường đeo số 60-79 và 90-99, gồm 3 tới 6 cầu thủ, là hàng phòng thủ tiền phương, tùy hoàn cảnh, đứng đối diện các công tuyến khổng lồ của đối phương. Nhỏ con và nhanh nhẹn hơn, họ có nhiệm vụ bẻ sườn những CT này, khuấy đảo tiền tuyến (line of scrimmage), truy cản trung phong, và mở đường cho các hộ vệ (linebackers) rảnh tay cản phá các trung phong (runningback) hoặc đôi khi cả các hộ công (tight end) của đối phương.

- Hộ vệ (HoV, linebacker) thường đeo số 50-59 và 90-99, gồm 3-4 cầu thủ đứng giữa hàng tiền vệ và hậu vệ. Họ rượt đuổi chủ công, cản phá trung phong, hoặc kèm chặt không cho hộ công hoặc tiền đạo đối phương nhận banh.

- Hậu vệ (HV, cornerback) thường đeo số 20-49, là những cầu thủ thấp bé nhất nhưng cũng nhanh nhẹn khéo léo nhất trong đội hình phòng thủ. Các hậu vệ đối diện tiền đạo đối phương, có nhiệm vụ bám sát các tay nhận banh này như hình với bóng, và cản phá không cho họ đón banh từ tay chủ công.

- Trung vệ (safety) thường đeo số 20-49, là hàng phòng thủ cuối cùng, rất khỏe và di chuyển rộng nhằm trợ giúp các hộ vệ hoặc hậu vệ khi cần thiết. Nếu hộ vệ giỏi rượt đuổi, cản phá, và hậu vệ giỏi đeo bám, thì các trung vệ phải thuần thục cả hai việc này.
NFL 2009

Giải National Football League (NFL), cuộc tỉ thí banh bầu dục nhà nghề lâu đời, hùng mạnh nhất, quy tụ 32 đội banh, là một trong vài sự kiện thể thao trọng yếu hàng năm tại Hoa Kỳ. Mùa giải năm nay đã bắt đầu với các trận banh phi chính thức (pre-season), nghĩa là các đội đấu với nhau mà không tính kết quả bất luận thắng thua.

Trong môt trận banh bầu dục kiểu Mỹ (American Football), cả hai phe đều ra sức bảo vệ lãnh thổ của mình và cố gắng xâm lấn phần sân đối phương. Mục tiêu tối hậu là tiến đủ xa để ghi điểm “touchdown” hoặc “field goal”. Mỗi tấc đất trên sân đều bị giành giật không khoan nhượng và được đo đạc kỹ lưỡng theo đơn vị “yard”. Sân banh bầu dục dài 100 yard, mỗi yard có vạch ngắn. Cứ mỗi 5 yard có một vạch kẻ ngang sân, và từng chục yard được đánh số 10, 20, 30, 40, hay 50. Trong cấm địa “end zone” ở 2 đầu sân có 2 khung thành “goal posts” hình chữ U dựng trên một cột cao 10 feet, rộng 222 inches (5.64 m).
Khác với môn đá banh, các cầu thủ banh bầu dục được thay ra hoặc vào sân hầu như liên tục miễn trên sân lúc nào cũng chỉ có 11 cầu thủ. Trận banh bầu dục ở NFL có 4 hiệp “quarter”, mỗi hiệp 15 phút. Vì trận banh thường bị dừng liên tục nên thực tế toàn trận kéo dài trên 3 giờ.

Hai đội hình đặc biệt “special team” ra sân đá giao banh “kick off” khởi đầu trận (một đội giao banh đầu trận, đội kia sau giờ nghỉ giữa trận). Bên nhận banh sẽ có một cầu thủ chuyên ôm banh chạy lên càng xa càng tốt trước khi bị cản phá. Đội hình tấn công (ĐHTC) của bên nhận banh vào sân, đấu từ mức vạch cầu thủ nhận banh bị đốn ngã.

ĐHTC có 4 lần đấu “down” hòng mang banh vượt 10 yard. Khi giành được 10 yard trong bất cứ “down” nào, họ sẽ được thưởng một “first down” mới, để vượt 10 yard kế tiếp, và cứ thế họ xâm lấn đến hết chiều dài của sân… Sau đây là một diễn biến giả dụ vài pha thi đấu giữa đội A và đội B:

- Đội hình đặc biệt ra sân: Cầu thủ nhận banh (đội A) chạy tới vạch 20 yard thì bị xô ngã. ĐHTC (đội A) bắt đầu đấu từ vạch 20 yard.

- “First and 10”: Lần đấu thứ nhất, cần 10 yard; chủ công (CC) “quarterback” ném banh bất thành “incomplete” cho tiền đạo (TĐ) “wide receiver”; phải trở về vạch 20 yards để đánh “second down”.

- “Second and 10”: Lần đấu thứ hai, vẫn cần 10 yard; CC chuyền banh cho trung phong (TP) “running back” chạy, bị cản ngã trên vạch 28 yard; tiến được 8 yard; “third down” sẽ bắt đầu từ vạch 28 yards.

- “Third and 2”: Lần đấu thứ ba, cần 2 yard; CC chuyền banh cho TP chạy ra đường biên ở vạch 31 yard; tiến được 3 yard.

Như vậy, sau 3 lần “down”, đội hình tấn công (đội A) tiến banh từ vạch 20 yard đến 31 yard, giành được 11 yard, vượt quá yêu cầu 10 yard tối thiểu, giành một “first down” mới, bắt đầu từ vạch 31 yard.

Nhiệm vụ của ĐHTC là liên tiếp đưa banh lên, giành nhiều “first down”, kết thúc lần tiến banh “drive” bằng cách ghi điểm “touch down” (6 điểm) hoặc ghi điểm “field goal” (3 điểm).

Trong khi đó, đội hình phòng thủ (ĐHPT) đội B phải bằng mọi cách dừng chân phe tiến công đội A. Đôi khi ĐHPT (B) bị ép sân, bị bên tấn công (A) tiến chiếm vài chục yard và giành vài “first down”, nhưng cuối cùng cũng chận đứng được bước tiến của bên tấn công (A). Những lần khác, ĐHPT (B) cản phá thành công chỉ sau 3 “down”, buộc bên tấn công (A) phải đá trả banh “punt”. Tình huống này gọi là “bất quá tam” hay “three and out”. Người sành điệu đôi khi nói, “Đội hình tấn công này quá dở, mang banh lên không nổi, cứ đánh bất quá tam ‘three and out’ chán ngắt”.
Nói chung, một lần tiến banh “drive” kết thúc khi đội hình tấn công (A) ghi điểm hoặc khi đã hết “downs” và bị đội B giành lại quyền tiến banh, đơn cử vài trường hợp: Bên tấn công (A) không giành được “first down”; phe phòng thủ (B) đoạt banh (intercept/interception); cầu thủ bên tấn công (A) làm mất banh “fumble”; một trái “field goal” bất thành...


Cách tính điểm

“Touchdown” (6 điểm) là khi một đội đưa được banh vô cấm địa của đối phương. Sau mỗi “touch down”, bên vừa ghi điểm sẽ có cơ hội đá banh vô khung thành để được thêm 1 điểm phụ “extra point” (tổng cộng 7 điểm). Đôi khi, ĐHTC lợi dụng cơ hội này, đưa banh vô cấm địa thành công, sẽ được tính 2 điểm (tổng cộng 8 điểm). Nếu không, chỉ được tính 6 điểm. “Field goal” (3 điểm) thường xảy ra sau khi đội hình tấn công bị hết “down” gần cấm địa của đối phương (dưới 30 yards). Nếu ĐHTC còn cách cấm địa ngoài 40 yards, thường thường sẽ có đá trả banh “punt”. Một “safety” (2 điểm) được ghi lúc đội phòng thủ cản phá cầu thủ tấn công ngay trong cấm địa “end zone” của phe tấn công.


Chiến thuật và mưu mẹo

Trận banh bầu dục thường dừng lại sau mỗi miếng đánh “play”. Cả tấn công lẫn phòng thủ có thời gian chuẩn bị. Các huấn luyện viên đứng bên ngoài sân sẽ ra hiệu lệnh cho miếng đánh kế tiếp. Huấn luyện viên môn banh bầu dục thường yêu cầu các cầu thủ tập dượt thuần thục nhiều miếng đánh, cũng như dành nhiều giờ xem phim ảnh về đối phương để tìm hiểu các miếng đánh của họ. Mỗi đội thường có vài trăm miếng khác nhau, mỗi miếng liệt kê chi tiết cầu thủ nào đứng ở đâu, làm gì, v.v... (Thí dụ: một tiền đạo phải chạy 5 bước, dừng lại, rẽ sang trái, chạy tiếp 2 bước, rồi bẻ người nhận banh từ chủ công).

Phía phòng thủ có những miếng đánh riêng biệt để chống lại. Nhiều miếng đánh cũng được thiết kế kiểu... lấy công làm thủ nhằm gây bất ngờ cho bên tấn công, như “blitz”, khi nhiều cầu thủ phòng vệ cùng ào sang phần sân phe tấn công, khuấy đảo chủ công đối phương.


Bạo liệt mà bao dung

Banh bầu dục Mỹ là một môn thể thao va chạm bạo liệt. Các cầu thủ cản phá nhau bằng những cú vật mạnh tay. Tuy nhiên, các cầu thủ không được đá vào chân đối phương, nắm kéo mặt nạ của nón an toàn “helmet”, hoặc cụng đầu trực tiếp. Cầu thủ thường mặc đồng phục có nhiều vật dụng che chắn đặc biệt nhằm bảo vệ những cơ quan dễ bị tổn thương như vai hay xương sườn (“shoulder pads”, “rib protectors/flak jackets”...) Mặc dù vậy, chấn thương hiểm nghèo vẫn xảy ra thường xuyên, khiến nhiều lực sĩ bị tê liệt toàn thân hoặc thiệt mạng.

Môn banh bầu dục rất uyển chuyển và dung hòa trong việc sử dụng người. Các cầu thủ có thể rất cao (công tuyến “offensive lineman”) hoặc không cao lắm (trung phong “runningback”); rất to (tiền vệ “defensive lineman”) hoặc chỉ tầm thước (hậu vệ “cornerback”); nhanh như điện xẹt (tiền đạo “wide receiver”) hoặc chính xác đến từng li (chủ công “quarterback”). Khác với môn đá banh, 11 cầu thủ trên sân nói chung đều cao ráo, nhanh nhẹn, những ai quá to hoặc quá thấp thường bị loại trừ. Trong trò chơi banh bầu dục, ngay từ bé trên các sân cỏ học đường, tất cả cầu thủ thuộc mọi hình dạng đều có thể được chấp nhận và tạo cơ hội ra sân thi triển sở trường. Đây có thể nói là nét độc đáo riêng của môn banh bầu dục.

Trần Trí Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét